Việc bảo lãnh vợ, chồng không chỉ là làm thủ tục đăng ký kết hôn ở Việt Nam xong là đảm bảo có thể bảo lãnh vợ, chồng qua Canada. Hồ sơ bảo lãnh vợ chồng thường được soi xét rất kỹ càng do việc lợi dụng chính sách bảo lãnh để trở thành thường trú nhân tại Canada. 

Trong xã hội công nghệ thông tin, mọi người có thể yêu nhau và đến với nhau từ nửa vòng trái đất, tuy nhiên, tình yêu vội vã có thể sẽ có những hậu quả nếu như không có sự chuẩn bị kỹ càng về tình cảm và tài chính. Bài viết sau ghi ra một vài lý do khiến hồ sơ bảo lãnh vợ chồng bị từ chối để độc giả có thể hiểu hơn về quá trình xét duyệt hồ sơ của cơ quan di trú Canada.

1. Tổ chức đám cưới vội vã

Việc yêu xa sẽ hạn chế việc ở cạnh nhau, nên việc sắp xếp về cưới nhanh rồi quay trở lại Canada để hòa nhịp vào công việc là việc nghe tưởng chừng khá hợp lý. Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong những yếu tố khiến cán bộ xét hồ sơ đặt nghi vấn. Để giải tỏa những nghi vấn này, việc chứng minh vợ – chồng thực sự phát triển mối quan hệ tình cảm tự nhiên và chân thành là việc quan trọng để có thể củng cố niềm tin cho người xét duyệt hồ sơ. Giả sử bạn ở xa, và về Việt Nam cưới vợ hay chồng thì bạn có muốn dành nhiều thời gian cho người yêu của mình không? Nếu bạn phải cưới vội vã thì bạn có nghĩ là bạn sẽ mang lại hạnh phúc thực sự cho người mình yêu hay không? Tại sao phải vội cưới ngay thời điểm này? Những câu hỏi rất đơn giản thế này thôi, nhưng khi bạn trả lời được, thì ắt hẳn hồ sơ của bạn sẽ có được sự tin tưởng của người xét duyệt.

2. TẠO DỰNG CHỨNG CỨ QUÁ KỸ CÀNG TỚI NỖI GÂY RA SỰ PHI LÝ

Sau đây là mô tả một hồ sơ khá điển hình cho tình huống này, và từng được khiếu kiện lên Hội đồng di trú và tị nạn Canada. Người bảo lãnh sắp xếp kỹ càng tới cả việc tuyện thệ có xác nhận của công chứng viên ở tỉnh bang tại Canada về việc dự kiến về Việt Nam cưới người phụ nữ mình đang tìm hiểu. Tuy nhiên, khi cán bộ phỏng vấn thì lại trả lời là chỉ mới có ý định về Việt Nam tìm hiểu cô gái mình đang hò hẹn. Trong hồ sơ này có rất nhiều sự sắp xếp khác bao gồm những đoạn nhắn tin qua lại trên Yahoo, hay thư từ điện tử (email). Tuy nhiên, khi mới yêu nhau chưa được bao lâu thì người bảo lãnh đã yêu cầu truy xuất chứng nhận độc thân tại tỉnh bang mình sinh sống. 

Trong hồ sơ này, người bảo lãnh đều đặn chuyển tiền về cho người yêu ở Việt Nam để chứng minh sự phụ thuộc tài chính. Tuy nhiên, yếu tố này cũng bị người xét hồ sơ xem nhẹ. 

Cuối cùng, người bảo lãnh không thừa nhận có quen biết  người nhà cô dâu mặc dù họ đang sống cùng 1 tỉnh bang với chú rể. Và có 1 thời điểm, vô tình chú rể và người nhà cô dâu tương lai bay cùng 1 chuyến bay về Việt Nam nhưng vẫn từ chối là không biết nhau. Những chuẩn bị kỹ càng có tính toán trước tưởng chừng hỗ trợ thuận lợi hồ sơ bảo lãnh, cuối cùng lại chính là con dao hai lưỡi khi người xét duyệt hồ sơ xem chi tiết các thư từ qua lại và cũng như tìm hiểu qua quá trình phỏng vấn đương đơn và người bảo lãnh.

3. KHAI THÔNG TIN KHÔNG CHÍNH XÁC

Tôi vẫn thường nói rằng, trách nhiệm khai thông tin là của đương đơn, cho dù là có luật sư hay cố vấn di trú RCIC thì người cung cấp thông tin phải cẩn thận khai báo thông tin cho người đại diện. Để hạn chế sai sót thì tốt nhất đương đơn nên cùng xem lại các mẫu biểu cuối cùng trước khi nộp lên cơ quan di trú Canada. Những sai sót khi điền đơn sẽ gây ảnh hưởng tới mức độ tín nhiệm của đương đơn trước cơ quan di trú. Nếu đương đơn đã từng bị từ chối visa du lịch, visa du học thì cần khai báo rõ để tránh bị ảnh hưởng tới hồ sơ bảo lãnh. Cơ quan di trú không phán xét việc bạn từng bị từ chối visa du lịch hay du học, yếu tố họ quan tâm trong hồ sơ bảo lãnh vợ chồng chính là mối quan hệ chân thành, phụ thuộc tình cảm và vật chất giữa hai vợ chồng. 

Trên đây là một số lý do, sẽ còn nhiều lý do khác khiến bộ hồ sơ bảo lãnh vợ chồng bị từ chối, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ trong những bài viết tiếp theo. Bài viết này đúng cho cả các cặp đôi đồng tính, LGBT. Các cặp đôi nếu không thể cưới do quy định pháp luật chưa có hướng dẫn thì vẫn có thể chung sống và chứng minh mối quan hệ như vợ chồng theo luật Canada (common-law partnership) 

Chúc các anh chị thành công khi tiến hành làm hồ sơ bảo lãnh vợ chồng và tránh những sai lầm không cần thiết trong quá trình chuẩn bị hồ sơ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *